Từ đây, người hết… ôm người

Hôm chủ nhật, một cô cháu gái đến nhà chơi, khi ra về cháu đòi ôm tôi chào tạm biệt, tôi bảo: “Bộ y tế khuyên không ôm gì hết” và cháu tiu nghỉu ra về.

Nỗi ám ảnh vi trùng bám vào đôi tay đang là chuyện thời sự – Ảnh minh hoạ trên internet

TP HCM hết cách ly xã hội hôm 23/4 và tối 24/4 khi đến một đám tang để chia buồn với người bạn nhỏ vừa mất cha, tôi vẫn đeo khẩu trang để nói chuyện và cả khi thắp nhang. Khách đến viếng chia buồn ai cũng đeo khẩu trang, ngay cả bạn tôi khi ngồi tiếp khách hay đáp lễ. Giờ thì tôi không thể ôm vai bạn để chia sẻ nỗi đau, bởi nỗi lo dịch bệnh bùng phát trở lại khi thế giới vẫn chưa có thuốc chữa trị. Thôi thì, biết cách bảo vệ mình cũng chính là giúp cho mọi người.

Trên đường về nhà vào tối 24/4, tôi thấy các quán cà phê đã mở cửa và qua khung cửa kính,  tôi thấy mọi người ngồi cách xa nhau hoặc đâu lưng lại với nhau, trên mặt người khách chọn chỗ ngồi nhìn ra đường vẫn thấy họ đeo khẩu trang. Gần hai tháng trôi qua từ khi Việt Nam bùng phát ca nhiễm số 17 ở Hà Nội, mỗi lần vào thang máy để lên trên nhà, tôi thở phào khi thấy chung quanh chẳng có ai. Hôm nào có thêm người đi thang máy thì mạnh ai nấy đứng quay mặt vào bên trong, lưng đâu lại với nhau, chẳng còn rôm rả tiếng trò chuyện hỏi thăm nhau như trước. Cách bấm thang giờ cũng thay đổi rồi, chẳng ai còn cho trẻ con rờ vào các nút trên thang máy nữa. Khi bấm thang, có người dùng cây tăm, hoặc chìa khoá, hoặc cùi chỏ, hoặc đốt ngón tay và khi ra khỏi thang, ai nấy đều rửa tay bằng cồn khô hay nước sát khuẩn của chung cư để sẵn.

Ngày 20/4,  Bộ Y tế Việt Nam đã khuyến cáo mọi người cần thay đổi 7 thói quen như không vồ vập, không bắt tay khi gặp nhau; không đưa tay lên mắt-mũi-miệng; khi về nhà phải thay quần áo, tắm rửa trước khi bồng bế con/cháu; mỗi lần đánh răng nhớ phải súc họng bằng nước muối hoặc dung dịch sát khuẩn; không mời khách đến nhà và cũng không đến nhà người khác; bị đau ốm không nên đến bệnh viện khám bệnh ngay mà phải gọi cho nhân viên y tế để được tư vấn trước; tự giác và nhắc nhau các quy định trên. Giống như Bộ Y tế khuyến cáo, nhiều người đã thực hành điều này gần hai tháng nay rồi, riết rồi cũng quen.

Thay vì bắt tay nhau hay ôm hôn, con người giờ sẽ chào nhau bằng cách này hay bằng.. cùi chỏ hoặc đá vào chân nhau – Ảnh Unsplash

Cứ nhìn hiện trạng cả Việt Nam và thế giới điên cuồng mua khẩu trang và nước rửa tay từ hôm đầu tháng ba đến nay mới thấy con người thiết tha giữ gìn cuộc sống đến thế nào. Thế giới nhiều nơi còn xa lạ với việc đeo khẩu trang, chứ Việt Nam đã hình thành thói quen này nhiều năm nay, để che nắng và chống khói bụi. Chỉ có khác là giờ người Việt phải nhớ đeo khẩu trang cả khi lên xuống thang máy, đi chợ, đi siêu thị, đi viếng đám tang và cả khi gặp nhau cùng làm việc ở văn phòng, có ngộp thì cũng đành chịu. Điều có thật là sau khi đại dịch nổ ra, không ít người mới bắt đầu học cách rửa tay và sát trùng những đồ vật họ thường sử dụng mỗi ngày.

Dễ dạy nhất có lẽ là những đứa trẻ, khi mọi thói quen đều mới chỉ là bắt đầu. Một đứa cháu ba tuổi của tôi giờ nghe nói tới “vi trùng” là sợ lắm, chẳng những cháu chịu đeo khẩu trang mỗi khi ra khỏi nhà mà còn rất siêng rửa tay. Mỗi lần chuẩn bị ăn cái gì, cháu đều hỏi tôi: “Tay con sạch chưa?”. Có khi rất muốn sang nhà hàng xóm chơi với bạn đồng lứa, cháu đều hỏi: “Đã hết vi trùng chưa? Con sang chơi được chưa?”.

Rửa tay thường xuyên bằng xà bông hoặc nước sát khuẩn sẽ là thói quen mới của mọi người

Cách nay 12 năm, sau khi chữa trị cho con trai bị bệnh ung thư ở Việt Nam 6 tháng và 1 năm ở Singapore, tôi luôn có thói quen đeo khẩu trang khi đến thăm bệnh nhi ung thư ở bệnh viện Ung Bướu TP HCM, điều đó tôi học được ở các bệnh viện Singapore. Ở các bệnh viện Singapore, bất kỳ ai đến thăm bệnh nhi ung thư đều phải thay dép, mặc áo choàng, sát trùng tay và đeo khẩu trang để tránh mang vi trùng vào khoa nhi – nơi có những bệnh nhân sức đề kháng kém, dễ bị lây nhiễm bệnh từ bên ngoài. Người Singapore đặt các bình rửa tay sát khuẩn khắp các hành lang bệnh viện, trước cửa vào khoa nhi và cả trước cửa phòng bệnh nhi. Tôi cũng học được rằng mỗi khi đưa các bé bị ung thư ra ngoài khuôn viên bệnh viện,  bạn phải đeo khẩu trang cho bé để bảo vệ bé, đồng thời phải mang theo nước rửa tay sát khuẩn để dùng cho bé và cho mình. Chính vì hiểu được tầm quan trọng của nước rửa tay, tôi thường mua nước rửa tay sát khuẩn để tặng cho bệnh nhi ung thư và lúc nào cũng mang theo chai nước này bên mình mỗi khi ra ngoài. Cách nay hơn 10 năm, những chai nước rửa tay sát khuẩn xinh xinh đủ mùi dung tích dưới 100ml hiếm có ở Việt Nam chứ không sẵn như bây giờ.

Người thợ cắt tóc hay khách hàng đi cắt tóc ở TP HCM giờ đây phải trang bị màn chắn ngăn giọt bắn thế này đây – Ảnh 24h.com.vn

Một cô em gái từng theo giúp tôi chăm sóc con trai sau khi trở về Việt Nam đã thay đổi hẳn lối sống: em không ăn uống ngoài đường bao giờ mà cũng không mua thức ăn nấu bên ngoài. Nhà riêng của em lúc nào cũng sạch sẽ đã đành mà mỗi lần mua thực phẩm tươi sống từ chợ hay siêu thị, em đều tháo hết bao bì bỏ đi, rửa sạch rồi mới bỏ trong hộp cất vào tủ lạnh. Đến cả bánh mì khi mua về nhà, em cũng bỏ ngay bao bì, cắt nhỏ bánh bỏ vào hộp, khi ăn luôn nướng lại; còn trái dừa thì trước khi chặt ra lấy nước uống, em lấy giẻ cọ rửa trái dừa thật kỹ. Mỗi ngày khi lấy xe gắn máy hay xe đạp đi ra ngoài, vào cuối ngày em đều tự rửa sạch cái xe ngoài hiên, sau đó mới đem cất vào trong nhà, ngày nào cũng như thế, dù có khi em đi về rất khuya. Khi đại dịch coronavirus bùng nổ, vì trong nhà có trẻ con, em buộc bất kỳ ai muốn bước vào nhà đều phải rửa tay chân và thay quần áo ngay ngoài hiên. Tất nhiên là ở ngoài hiên em còn có tủ cất giày dép, áo khoác dành ra ngoài đường.

Khi chưa có đại dịch, có những người quen cười em gái tôi quá cực đoan, nhìn đâu cũng săm soi thấy toàn vi trùng, giờ thì… rõ là cô ấy có lý của mình.

Cho đến bây giờ, đại dịch vẫn chưa thật chấm dứt, nên con người phải thay đổi thói quen, học lại cách sống để bảo đảm an toàn cho chính mình và gia đình.

Người Việt chỉ có thói quen bắt tay khi gặp gỡ nhau, việc bỏ điều này kể ra cũng dễ. Chỉ có dân Tây quen ôm hôn khi gặp nhau, giờ đành chào hỏi nhau từ khoảng cách 2m chắc sẽ khiến họ khó chịu lắm.

Thôi thì, cứ phải sống đã.

Thanh Thuỷ

Advertisement

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Twitter picture

You are commenting using your Twitter account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s

%d bloggers like this: